CÔNG NHÂN, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!

Ngày 31/12/2007 Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ra Quyết định số 1693/QĐ-TLĐ

Ban hành kèm theo Quy định về việc thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của Công đoàn, quy định này gồm có 4 Chương và 20 điều trong đó quy định như sau:...

* Chương I: Những quy định chung từ điều 1 đến điều 3, quy định về  mục đích kiểm tra, giám sát của Công đoàn, quyền kiểm tra, giám sát và đối tượng kiểm tra, giám sát của Công đoàn.

* Chương II : Nội dung và hình thức kiểm tra, giám sát từ điều 4 đến điều 8, quy định nội dung kiểm tra, giám sát của Công đoàn tập trung chủ yếu vào việc thực hiện pháp luật về hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, tuyển dụng, cho thôi việc, tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; pháp luật về cán bộ, công chức; pháp luật công đoàn và các lĩnh vực chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên Công đoàn và công nhân lao động.
Hình thức kiểm tra của Công đoàn  các cấp được thực hiện bằng những hình thức sau đây: 
+ Công đoàn chủ động, độc lập thực hiện quyền kiểm tra là việc các cấp Công đoàn căn cứ vào quy định của pháp luật, quy định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xây dựng kế hoạch kiểm tra, quyết định kiểm tra, tổ chức kiểm tra, kết luận kiểm tra; theo dõi, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm tra đối với các đối tượng kiểm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan. 
+ Công đoàn phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện quyền kiểm tra là việc các cấp CĐ tham gia với các cơ quan, tổ chức hữu quan hoặc Công đoàn chủ động tổ chức kiểm tra và mời các cơ quan, tổ chức hữu quan tham gia kiểm tra. 
Về hoạt động giám sát của Công đoàn, là sự quan sát, theo dõi mang tính chủ động, thường xuyên, liên tục của các cấp công đoàn đối với đối tượng giám sát; kịp thời phát hiện, kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý những hành vi xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và công nhân lao động. 
 Hoạt động giám sát của công đoàn được thực hiện thông qua những hình thức chủ yếu sau đây:
+ Tổ chức phân công đoàn viên và cán bộ công đoàn thực hiện việc giám sát;
+ Tham gia ý kiến trong quá trình quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn và công nhân lao động;
+ Kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết các vụ việc cụ thể khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và công nhân lao động.

* Chương III : Quy trình thực hiện kiểm tra, giám sát từ điều 9 đến điều 8 16 được thực hiện như sau :
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát : Căn cứ vào quy định của pháp luật, quy định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và chương trình công tác đã được Ban chấp hành thông qua, hàng năm, Công đoàn các cấp phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp mình. Kế hoạch kiểm tra cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng và thời gian thực hiện; bao gồm:
+ Kế hoạch chủ động, độc lập thực hiện quyền kiểm tra;
+ Kế hoạch phối hợp hoặc chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện quyền kiểm tra;
+ Định hướng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn và công nhân lao động;
+ Kiểm tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm tra của Công đoàn có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và công nhân lao động.
- Ra quyết định kiểm tra : Quyết định kiểm tra do cơ quan thường trực của Ban chấp hành ban hành, nơi không có Ban thường vụ, Chủ tịch công đoàn thay mặt Ban chấp hành ban hành quyết định kiểm tra, trên cơ sở kế hoạch kiểm tra đã được thông qua hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và công nhân lao động. Đối với công đoàn cấp trên cơ sở nhất thiết phải có quyết định kiểm tra bằng văn bản. Kiểm tra của công đoàn cơ sở được thực hiện bằng quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản cho đối tượng kiểm tra.
- Nội dung của quyết định kiểm tra : Quyết định kiểm tra hoặc yêu cầu kiểm tra phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra, bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây: Căn cứ pháp lý để kiểm tra; đối tượng kiểm tra; nội dung, phạm vi kiểm tra; thời gian kiểm tra; thành viên đoàn kiểm tra; quyền và trách nhiệm của người kiểm tra; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được kiểm tra.
- Thông báo kiểm tra : phải được thông báo trước cho đối tượng kiểm tra ít nhất 3 ngày trước khi tiến hành kiểm tra, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng kiểm tra. Thông báo kiểm tra phải bao gồm các nội dung chủ yếu về nội dung, phạm vi kiểm tra; thời gian kiểm tra; thành viên đoàn kiểm tra; quyền và nghĩa vụ của đối tượng kiểm tra.
- Tiến hành kiểm tra : Kiểm tra được tiến hành thông qua việc xem xét báo cáo, ý kiến của đối tượng kiểm tra và những cá nhân, tổ chức có liên quan; xem xét các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra. Nội dung kiểm tra phải được ghi thành biên bản, có chữ ký của người chịu trách nhiệm kiểm tra, đối tượng kiểm tra và của người ghi biên bản kiểm tra. Trường hợp đối tượng kiểm tra không ký biên bản kiểm tra phải ghi rõ ý kiến vào biên bản kiểm tra.
- Kết luận kiểm tra : Kết thúc kiểm tra phải có kết luận kiểm tra bằng văn bản. Nội dung kết luận kiểm tra phải bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật về những nội dung kiểm tra; phải có kiến nghị của đoàn kiểm tra với đối tượng kiểm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Kết luận kiểm tra được gửi cho đối tượng kiểm tra, cấp ra quyết định kiểm tra và gửi cho các cơ quan, tổ chức có liên quan khi có yêu cầu.  
- Theo dõi, giám sát việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm tra Tổ chức Công đoàn đã tiến hành kiểm tra có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm tra. Trường hợp kết luận và kiến nghị kiểm tra không được thực hiện, tổ chức công đoàn đã tiến hành kiểm tra có trách nhiệm đề xuất hoặc chủ động thực hiện các giải pháp theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm tra. 
- Quy trình Công đoàn phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện quyền kiểm tra :  Việc Công đoàn phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện quyền kiểm tra được thực hiện theo kế hoạch, chương trình phối hợp công tác giữa Công đoàn với các cơ quan, tổ chức đó, bao gồm hoạt động kiểm tra định kỳ, thường xuyên và kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của đối tượng kiểm tra. Quy trình thực hiện hoạt động phối hợp kiểm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra; pháp luật về Công đoàn và Quy định này.
 
* Chương IV : Tổ chức thực hiện : từ điều 17 đến điều 20 quy định  những bảo đảm cho công tác kiểm tra, giám sát của Công đoàn . Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, xử lý người có hành vi vi phạm . Chế độ thống kê, báo cáo và việc thi hành quy định trên .
 
                                                               Luật gia : Lê Xuân Trị 
                                           Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra LĐLĐ TP Cần Thơ