CÔNG NHÂN, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!

Chức năng - Nhiệm vụ Công đoàn

 

VAI TRÒ, VỊ TRÍ CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

“Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo về quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

(Trích: Điều 10 Hiến pháp 1992 - Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam)

....................................................................

QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

Công đoàn đại diện và tổ chức người lao động tham gia với Nhà nước xây dựng và thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách, cơ chế quản lý kinh tế, chủ trương – chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động. 

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền tham dự hội nghị Hội đồng Bộ trưởng. Chủ tịch Công đoàn các cấp được dự hội nghị của cơ quan Nhà nước, đơn vị, tổ chức hữu quan khi bàn những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động. 

Công đoàn có trách nhiệm tuyên truyền Hiến pháp và pháp luật, giáo dục người lao động ý thức chấp hành và tham gia đấu tranh bảo vệ pháp luật, tích cực xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ tài sản XHCN, lao động có kỷ luật, có năng suất, chất lượng và hiệu quả. 

Công đoàn cơ sở cùng với cơ quan, đơn vị, tổ chức bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của tập thể lao động theo quy định của pháp luật. 

Công đoàn cùng với cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế quốc doanh, đơn vị sự nghiệp và hợp tác xã tổ chức phong trào thi đua XHCN, phát huy mọi tiềm năng của người lao động thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

(Trích: Điều 4 - Luật Công đoàn 1990)

....................................................................

CHỨC NĂNG - NHIỆM VỤ - QUYỀN HẠN 
CỦA LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH, THÀNH PHỐ

Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố được tổ chức theo địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định thành lập hoặc giải thể phù hợp với các quy định của Luật Công đoàn. 

Đối tượng tập hợp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố gồm đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn. 

Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố chỉ đạo trực tiếp các Liên đoàn Lao động huyện, Công đoàn ngành địa phương, Công đoàn Tổng Công ty (thuộc tỉnh, thành phố), Công đoàn Các Khu công nghiệp và các Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn trực thuộc (kể cả Công đoàn cơ sở các đơn vị của Trung ương không có Công đoàn ngành Trung ương hoặc Công đoàn Tổng Công ty). 

Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố:

  • Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
  • Đại diện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn.
  • Triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh, thành phố; các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà nước. Tham gia với cấp uỷ Đảng, cơ quan Nhà nước tỉnh, thành phố về các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề có liên quan đến đời sống, việc làm và điều kiện làm việc của CNVCLĐ trên địa bàn. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội của CNVCLĐ trên địa bàn.
  • Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước, Công đoàn ngành Trung ương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và các chính sách có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ trong các cơ quan, doanh nghiệp. Tham gia hội đồng trọng tài lao động ở địa phương, hướng dẫn và chỉ đạo việc giải quyết tranh chấp lao động, tham gia điều tra tai nạn lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng người lao động trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
  • Chỉ đạo các công đoàn ngành địa phương, Liên đoàn Lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Công đoàn Các Khu công nghiệp, công đoàn Tổng Công ty (thuộc tỉnh, thành phố), và cấp tương đương thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 25, 26, 27 và 28, Điều lệ này.
  • Hướng dẫn, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở của Công đoàn Tổng Công ty thuộc Trung ương và các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Trung ương, đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố những nội dung sau đây:
  • Triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
  • Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước ở địa phương; kiểm tra, thanh tra lao động; điều tra các vụ tai nạn lao động; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp lao động; đại diện bảo vệ người lao động trước người sử dụng lao động, cơ quan Nhà nước và trong quá trình tham gia tố tụng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động.
  • Tổ chức giáo dục nâng cao trình độ văn hoá và nghề nghiệp cho CNVCLĐ, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, quản lý nhà văn hoá công nhân, công đoàn; tổ chức các trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở tư vấn pháp luật theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
  • Thực hiện quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chính sách đối với cán bộ được phân cấp quản lý.
  • Hướng dẫn, chỉ đạo đại hội các công đoàn cấp dưới; xây dựng công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn vững mạnh.
  • Thực hiện quan hệ đối ngoại theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

(Trích: Điều 32 - Điều lệ Công đoàn Việt Nam 2008)