CÔNG NHÂN, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023 - 2028

ĐỀ CƯƠNG
Tuyên truyền Đại hội Công đoàn thành phố Cần Thơ
lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 
A.  LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CÔNG ĐOÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
I. Thành lập Ban Chấp hành lâm thời Liên hiệp Công đoàn tỉnh Hậu Giang.
  Tháng 3/1976 - 1977 Ban Chấp hành lâm thời Liên hiệp Công đoàn tỉnh Hậu Giang thành lập, do đồng chí Hà Thái Bình (Tư Hiền) làm Thư ký; đồng chí Lê Hồng Bông (Ba Tình) làm Phó Thư ký. 
II. Các kỳ đại hội của công đoàn thành phố Cần Thơ
1. Đại hội Công đoàn tỉnh Hậu Giang, lần thứ I, nhiệm kỳ 1977-1980
Đại hội diễn ra từ ngày 27/9/1977 đến 01/10/1977, tại Cung Thiếu nhi (nay là Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ), có 228 đại biểu chính thức dự Đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 29 đồng chí; Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí. Đồng chí Hà Thái Bình (Tư Hiền) được bầu làm Thư ký, đồng chí Lê Hồng Bông (Ba Tình) được bầu làm Phó Thư ký. Đại hội xác định mục tiêu, nhiệm vụ “Tích cực học tập giáo dục chính trị nâng cao giác ngộ giai cấp, phát động phong trào thi đua sôi nổi, liên tục đẩy mạnh sản xuất, cần kiệm, xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa trong công nhân, viên chức, lao động, tích cực tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, góp phần cải tạo công thương nghiệp tư doanh, thúc đẩy nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển… Đồng thời chăm lo cải thiện đời sống cho công nhân, viên chức, lao động, tích cực củng cố xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu của cách mạnh trong giai đoạn mới”.
2. Đại hội Công đoàn tỉnh Hậu Giang, lần thứ II, nhiệm kỳ 1981-1983
Đại hội diễn ra từ ngày 24/3/1981 - 27/3/1981, tại Hội trường Tỉnh ủy Hậu Giang (nay là Hội trường Thành ủy Cần Thơ), có 264 đại biểu chính thức dự Đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 37 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí. Đồng chí Lê Hồng Bông (Ba Tình) được bầu làm Thư ký, đồng chí Trần Văn Dữ được bầu làm Phó Thư ký. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ “Ra sức giáo dục giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nâng cao tinh thần làm chủ tập thể của cán bộ, công nhân viên chức; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất phục vụ nông nghiệp và các ngành kinh tế nói chung phát triển toàn diện theo hướng tập trung; đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng xuất khẩu. Trên cơ sở đó đẩy mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Vì công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa; phát huy phong trào sáng kiến tiết kiệm, đấu tranh chống tiêu cực tham gia thực hiện chế độ chính sách, ổn định đời sống cán bộ, công nhân viên chức và xây dựng củng cố tổ chức Công đoàn vững mạnh thành tổ chức quần chúng rộng rãi của giai cấp công nhân, thành trường học cộng sản chủ nghĩa về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, làm chỗ dựa vững chắc của chính quyền”.
3. Đại hội Công đoàn tỉnh Hậu Giang, lần thứ III, nhiệm kỳ 1983-1988
Đại hội diễn ra từ ngày 12/8/1983 - 13/8/1983, tại Hội trường Tỉnh ủy Cần Thơ (nay là Hội trường Thành ủy Cần Thơ), có 319 đại biểu chính thức dự đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 39 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí. Đồng chí Lê Hồng Bông (Ba Tình) được bầu làm Thư ký, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên được bầu làm Phó Thư ký Thường trực; đồng chí Trần Văn Dữ được bầu làm Phó Thư ký. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ “Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức giai cấp, vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam, phát huy quyền làm chủ tập thể của công nhân viên chức; đẩy mạnh các phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, phong trào lao động sản xuất với hiệu quả kinh tế cao, lợi ích thiết thực, phấn đấu hoàn thành vượt mức toàn diện chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước; tích cực tham gia giám sát chặt chẽ công việc của chính quyền, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, nhất là về mặt quản lý kinh tế, chăm lo đời sống, góp phần thực hiện tốt các chính sách đối với công nhân viên chức. Qua đó, củng cố kiện toàn hệ thống bộ máy Công đoàn các cấp, nhất là Công đoàn ngành và Công đoàn cơ sở, đưa từ 80% - 90% công nhân viên chức vào tổ chức Công đoàn, nâng cao chất lượng đoàn viên và chất lượng hoạt động của tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.
4. Đại hội Công đoàn tỉnh Hậu Giang, lần thứ IV, nhiệm kỳ 1988-1993
Đại hội diễn ra từ ngày 29/9/1988 - 30/9/1988, tại Hội trường Cửu Long (nay là Hội trường Thành ủy thành phố Cần Thơ), có 326 đại biểu chính thức dự đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 41 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí. Đồng chí Lê Công Đoàn được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi được bầu làm Phó Chủ tịch. Phương hướng, nhiệm vụ “Giáo dục nâng cao ý thức giai cấp, động viên giai cấp công nhân và lực lượng lao động, phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao ý thức làm chủ tập thể đi đầu trong công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới trong hoạt động kinh tế để thực hiện thắng lợi 5 chương trình mục tiêu của tỉnh nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi ích, hợp pháp chính đáng của công nhân, viên chức, lao động, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao hiệu lực bộ máy Nhà nước, làm lạnh mạnh các quan hệ xã hội, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh về tư tưởng, giỏi về nghiệp vụ, tay nghề. Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, có đủ năng lực, tập hợp quần chúng, tham gia quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, mở rộng và nâng chất lượng hoạt động hội và công đoàn các đơn vị ngoài quốc doanh nhằm phục vụ cho yêu cầu phát triển sản xuất và các dịch vụ tỉnh nhà. Đồng thời nâng cao cảnh giác cách mạng, chống lại âm mưu phá hoại của kẻ địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng cơ quan, xí nghiệp an toàn”.
* Ban Chấp hành lâm thời Liên đoàn Lao động tỉnh Cần Thơ, tháng 5/1992
Thực hiện Quyết định của kỳ họp Quốc hội thứ 10 về việc phân vạch địa giới, ngày 22/01/1992, tỉnh Hậu Giang ra Nghị quyết số 15-NQ/TU, về việc chuẩn bị và tiến hành thực hiện việc chia tách tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Từ ngày 01/4/1992, hai tỉnh chính thức đi vào hoạt động. 
Ngày 04/5/1992, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ban hành Quyết định số 362/QĐ-TLĐ, về công nhận Ban Chấp hành lâm thời tỉnh Cần Thơ, gồm 41 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí. Đồng chí Lê Công Đoàn được bầu làm Chủ tịch. Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi được bầu làm Phó Chủ tịch.
5. Đại hội Liên đoàn Lao động tỉnh Cần Thơ, lần thứ V, nhiệm kỳ 1993-1998.
Đại hội diễn ra từ ngày 04-05/6/1993, tại Hội trường Tỉnh ủy (nay là Hội trường Thành ủy Cần Thơ), có 201 đại biểu chính thức dự Đại hội. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 33 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Trần Hồng Việt được bầu làm Phó Chủ tịch. Đại hội đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ “Nâng cao năng lực tham gia với chính quyền để bảo vệ lợi ích của người lao động theo pháp luật quy định. Tiếp tục đổi mới bằng cách đa dạng hóa nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn. Tập hợp đoàn kết công nhân lao động, phát huy vai trò công nhân trong khối liên minh công nông và các tầng lớp trí thức. Động viên công nhân viên chức và lao động nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả trong lao động sản xuất và công tác; đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, chống trù dập ức hiếp người lao động, chống âm mưu phá hoại của kẻ thù góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng tỉnh nhà ngày càng vững mạnh.
6. Đại hội Liên đoàn Lao động tỉnh Cần Thơ lần thứ VI, nhiệm kỳ 1998-2003.
Đại hội diễn ra từ ngày 22 - 23/6/1998, tại Hội trường tỉnh ủy, (nay là Hội trường Thành ủy Cần Thơ), với 247 đại biểu chính thức dự đại hội. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 39 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi được bầu làm Chủ tịch. Đồng chí Trần Hồng Việt, đồng chí Phan Thị Thu Vân được bầu làm Phó Chủ tịch. Năm 2001 đồng chí Trần Hồng Việt được bầu làm Chủ tịch, Năm 2001, đồng chí Phan Hùng Tân được bầu làm Phó Chủ tịch. Đại hội đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ “Thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, viên chức, lao động, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Chăm lo bảo vệ lợi ích thiết thực, hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động, đại diện cho người lao động tham gia công việc Nhà nước và quản lý doanh nghiệp. Phát triển tổ chức công đoàn trong các thành phần kinh tế, tập hợp đông đảo công nhân viên chức lao động than gia vào tổ chức công đoàn, củng cố sinh hoạt, đẩy mạnh hoạt động xã hội công đoàn, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, khắc phục bệnh quan liêu, hành chính trong công tác công đoàn, phát huy vai trò của công đoàn trong khối liên minh giai cấp công nhân - nông dân và tầng lớp trí thức. Góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố quốc phòng, ổn định chính trị, giữ vững an ninh và trật tự an toàn xã hội nhằm tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
7. Đại hội Công đoàn tỉnh Cần Thơ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2003-2008.
Đại hội diễn ra từ ngày 20/4/2003 - 22/4/2003, tại Hội trường Tỉnh ủy, (nay là Hội trường Thành ủy Cần Thơ), với 243 đại biểu chính thức dự đại hội. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 39 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Phan Thị Thu Vân được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Trần Hồng Mẫn, được bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực, đồng chí Nguyễn Minh Hồng được bầu làm Phó Chủ tịch; Năm 2006, đồng chí Trần Hồng Mẫn, được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Minh Hồng được bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực, đồng chí Nguyễn Văn Sanh được bầu làm Phó Chủ tịch. Đại hội đã xác định mục tiêu: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH củng cố và phát triển khối liên minh giai cấp công nhân – nông dân và trí thức làm nòng cốt cho khối đại đoàn kết dân tộc. Đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng, thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết Đại hội X tỉnh Đảng bộ Cần Thơ. Chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ. Tăng cường phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn trong các thành phần kinh tế, nâng cao trình độ cán bộ công đoàn, xây dựng CĐ vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Tháng 01/2004. Chia tách tỉnh Hậu Giang (thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang).
8. Đại hội Công đoàn thành phố Cần Thơ lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2008-2013.
Đại hội diễn ra từ ngày 12/5/2008 - 13/5/2008, tại Hội trường Thành ủy Cần Thơ, với 250 đại biểu chính thức dự đại hội. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 39 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 10 đồng chí. Đồng chí Trần Hồng Mẫn được bầu làm Chủ tịch. Đồng chí Nguyễn Minh Hồng được bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực, đồng chí Nguyễn Văn Sanh được bầu làm Phó Chủ tịch. Năm 2010, đồng chí Nguyễn Trọng Tấn được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Văn Sanh được bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực, đồng chí Trần Quốc Vũ được bầu làm Phó Chủ tịch. Đại hội đã xác định mục tiêu “Đoàn kết, đổi mới, tận dụng mọi thời cơ và chủ động tạo ra cơ hội mới, mở rộng và phát triển tổ chức Công đoàn trong trong các thành phần kinh tế, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục và kiểm tra, giám sát có hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tổ chức các phong trào hành động cách mạng trong công nhân, viên chức, lao động góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố Cần Thơ”.
9. Đại hội Công đoàn thành phố Cần Thơ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2013-2018.
Đại hội diễn ra từ ngày 27/3/2013 - 29/3/2013, tại Hội trường Thành ủy Cần Thơ, với 240 đại biểu chính thức dự đại hội. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 35 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Huỳnh Ngọc Thạch, Thành ủy viên, được bầu làm Chủ tịch; Đồng chí Trần Quốc Vũ được bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực, đồng chí Lê Xuân Trị, đồng chí Huỳnh Thị Hiền được bầu làm Phó Chủ tịch. Tháng 7/2015 đồng chí Ngô Thanh Nhàn được bầu làm Phó Chủ tịch. Mục tiêu phương hướng “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương hướng hoạt động Công đoàn hướng về cơ sở, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; Tham gia quản lý Nhà nước, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ quan, doanh nghiệp; tuyên truyền vận động giáo dục đoàn viên và người lao động về đường lối, chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật; đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh; thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020”.
10. Đại hội Công đoàn thành phố Cần Thơ lần thứ X, nhiệm kỳ 2018-2023.
Đại hội diễn ra từ ngày 27/6/2018 - 28/6/2018, tại Hội trường Thành ủy Cần Thơ, với 240 đại biểu chính thức dự đại hội, số đoàn viên 94.000 người. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 35 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Trần Văn Tám, Thành ủy viên được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Huỳnh Thị Hiền được bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực; đồng chí Đoàn Văn Dũng, đồng chí Huỳnh Minh Truyền được bầu làm Phó Chủ tịch. Tháng 6/2021 đồng chí Lê Thị Sương Mai, Thành ủy viên, được bầu làm Chủ tịch. Mục tiêu phương hướng“Tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn theo hướng thiết thực hiệu quả; xác định rõ nhiệm vụ của mỗi cấp Công đoàn; coi trọng vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ người lao động; tăng cường phát triển lợi ích đoàn viên; hoàn thiện phương thức hoạt động công đoàn, phát huy vai trò đoàn viên tham gia xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
B. KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ LẦN THỨ X (2018 - 2023)
1. Thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động: 

Các cấp công đoàn tích cực tham gia đóng góp, xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn. Tổ chức 27 cuộc hội nghị đóng góp xây dựng các dự thảo luật tham gia đóng góp trên 10.000 lượt ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp.
Chủ động phối hợp với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện và ban hành mới 395 quy chế dân chủ tại đơn vị; 100% đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, bình quân Hội nghị người lao động đạt 73,5% tăng 13,5% so với nhiệm kỳ trước; phối hợp tổ chức 1.232 cuộc đối thoại định kỳ và đối thoại đột xuất; 82,4% đơn vị ký kết Thỏa ước lao động tập thể tăng 10,35% so với nhiệm kỳ trước; tiếp và giải đáp, tư vấn pháp luật cho 12.765 trường hợp về các chế độ chính sách pháp luật lao động. 
Hưởng ứng “Tháng An toàn vệ sinh lao động” hàng năm gắn với các hoạt động An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, song song với công tác tuyên truyền, các cấp công đoàn phối hợp với các đơn vị chuyên môn, xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại 1.195 doanh nghiệp trên địa bàn, đã kiến nghị nhiều nội dung để doanh nghiệp thực hiện tốt hơn về an toàn vệ sinh lao động.
2. Hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động: 
Các chương trình chăm lo ngày càng nâng chất, đáp ứng với nhu cầu chính đáng của đoàn viên và người lao động, công tác tổ chức kịp thời, đối tượng chăm lo tập trung hơn. Nét nổi bật là Công đoàn chung tay cùng với các cấp, các ngành trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Qua đó, đã tập trung huy động nhân lực và nguồn lực tham gia chống dịch, tăng cường dinh dưỡng cán bộ, nhân viên, đội ngũ y tế tuyến đầu. Chi từ nguồn tài chính công đoàn cho trên 29.376 đoàn viên, người lao động bị F0, F1, cách ly y tế, khu vực phong tỏa, khu nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ 10 trẻ em mồ côi là con đoàn viên công đoàn tử vong do dịch Covid – 19. Tổng số tiền trên 20,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn đã tham gia cùng chính quyền và hỗ trợ doanh nghiệp hướng dẫn thủ tục hồ sơ cho 62.543 người lao động hưởng các chính sách hỗ trợ người lao động  tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động ngừng việc và người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và tiền thuê nhà cho người lao động với tổng số tiền 59,981 tỷ đồng.
Các chương trình “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân” có nhiều nét mới tạo nên hiệu quả, thể hiện được tinh thần nhân văn trong hoạt động công đoàn, đã tặng 400 phần quà  cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Bằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa công đoàn với doanh nghiệp, chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên” đã  cung cấp những sản phẩm thiết yếu với mức giá ưu đãi, hợp lý, với gần 62.000 đoàn viên được thụ hưởng, tổng giá trị gần 7 tỷ đồng.
Gần 13,284 tỷ đồng là tổng số tiền công nhân, viên chức, lao động  thành phố đã đóng góp Quỹ “Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Công đoàn Cần Thơ”. Từ nguồn quỹ này, đã hỗ trợ 237 “Mái ấm Công đoàn”, mỗi căn trị giá từ 40 triệu đến 60 triệu đồng; Trao 4.191 suất học bổng cho con CNLĐ; Trợ cấp khó khăn 134 trường hợp công nhân, viên chức, lao động mắc bệnh hiểm nghèo; Thăm và tặng quà 107 trường hợp công nhân bị tai nạn lao động.
Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho 238.000 cán bộ đoàn viên, người lao động được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chính trị, kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tay nghề; giới thiệu việc làm cho trên 303.000 lao động. Từ các nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ Trợ vốn công nhân lao động nghèo thành phố, phát vay 6.549 lượt công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổng số tiền trên 63 tỷ đồng.
3. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục:  
Đã tổ chức trên 18.700 cuộc triển khai tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn đến hơn 1.250.000 lượt đoàn viên, người lao động bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến thông qua ứng dụng công nghệ số, internet và mạng xã hội. Tổ chức 13 cuộc thi, Hội thi trong công nhân, viên chức, lao động về những chủ đề thiết thực, thu hút đông đảo người lao động tham gia.
Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với thực hiện Kế hoạch số 48-KH/TU ngày 03/11/2021 của Ban Thường vụ Thành uỷ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được các cấp công đoàn triển khai thường xuyên với các hình thức đa dạng như sinh hoạt chuyên đề, hội thi kể chuyện về Bác, giao lưu, toạ đàm, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ... Kết quả, 05 năm qua đã tổ chức học tập 3.728 cuộc với 170.113 lượt người dự, có 07 tập thể công đoàn cơ sở và 11 cá nhân là đoàn viên, người lao động được khen thưởng có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
“Tháng Công nhân” hàng năm đã thực sự trở thành chuỗi ngày hội của công nhân lao động thành phố với nhiều hoạt động cụ thể hướng về người lao động. Qua 5 năm, đã tổ chức 193 hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp với công nhân lao động, doanh nghiệp với 8.793 người tham dự; 218 cuộc và 98.485 người tham dự chương trình “Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ”, hoạt động “Cảm ơn người lao động”, “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn” với trên 107.000 lượt người tham dự; tổ chức 42 cuộc “Ngày hội việc làm” với 123.952 người dự; tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho 6.320 người với số tiền 2,72 tỷ đồng, biểu dương 24 công nhân lao động trực tiếp sản xuất ...; biểu dương 24 công nhân, lao động trực tiếp sản xuất...
4. Phong trào thi đua yêu nước: 
Được các cấp công đoàn triển khai sâu rộng và có hiệu quả. Trọng tâm là thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”,“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”, “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động”. Qua 5 năm, đã có 22.289 đề tài, 638 mô hình Dân vận khéo; đăng ký 593 công trình, sản phẩm, tổng giá trị làm lợi 21,538 tỷ đồng. 
Trong nhiệm kỳ, Công đoàn các cấp đã được khen thưởng bao gồm: 19 cờ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 62 cờ Liên đoàn Lao động thành phố; 76 tập thể và 157 cá nhân được tặng Bằng khen Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 504 tập thể và 1.657 cá nhân được tặng Bằng khen Liên đoàn Lao động thành phố. Riêng cơ quan Liên đoàn Lao động TP. Cần Thơ đã nhận được Cờ Thủ tướng Chính phủ, 02 Cờ thi đua Tổng Liên đoàn, 01 Cờ thi đua của Ủy ban Nhân dân TP, 02 Bằng khen Tổng Liên đoàn, đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid -19.
5. Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh: 
Đã thành lập 204 công đoàn cơ sở; phát triển mới 34,463 đoàn viên (vượt 38%). Điều chỉnh, sát nhập, giải thể, chuyển đi 225 công đoàn cơ sở, giảm 46.320 đoàn viên. Tính đến nay, toàn thành phố hiện có 82.252 đoàn viên /86.622 CNVCLĐ trong các đơn vị có tổ chức công đoàn (chiếm tỷ lệ 95%); với 1200 CĐCS và nghiệp đoàn; đã cập nhật thông tin dữ liệu của 68.123/82.252 đoàn viên, đạt 82,8%.  
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và Nghị quyết số 03/NQ-TLĐ ngày 11/01/2019 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Công tác cán bộ Công đoàn trong tình hình mới”, các cấp công đoàn đã tập trung  thực hiện nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn trong đó đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, lấy địa bàn các khu chế xuất công nghiệp, cụm công nghiệp và những nơi có nhiều doanh nghiệp làm trọng điểm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đã xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, sắp xếp bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn từ cơ sở, cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng vào vị trí lãnh đạo, quản lý. Trong nhiệm kỳ, có 217 lượt cán bộ công đoàn chuyên trách được cử đào tạo (21 thạc sĩ, 34 cao cấp, 29 trung cấp, 03 chuyên viên cao cấp, 32 chuyên viên chính, 37 chuyên viên), phối hợp Trường Đại học Tôn Đức Thắng mở lớp Lý luận nghiệp vụ Công đoàn cho 50 cán bộ công đoàn , Bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng An ninh cho 44 đồng chí; Có 12.633 lượt cán bộ công đoàn các cấp từ Tổ phó trở lên được tập huấn, bồi dưỡng về công tác Công đoàn (thấp hơn nhiệm kỳ trước 42%). 
Các cấp công đoàn tiếp tục phát huy vai trò trong việc tham gia thực hiện chức năng phản biện và giám sát, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh theo quy định tại Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị với trên 98 cuộc. Tổ chức sinh hoạt phổ biến, lấy ý kiến công nhân, viên chức, lao động trong toàn thành phố tham gia đóng góp văn kiện đại hội Đảng các cấp với trên 10.000 lượt ý kiến tham gia, trong đó có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm. Công tác phát triển đảng viên trong đoàn viên được quan tâm triển khai thực hiện, chú trọng đối tượng công nhân, lao động trực tiếp sản xuất, đoàn viên ngoài khu vực nhà nước. Năm năm qua, đã giới thiệu 7.122 đoàn viên ưu tú cho cấp ủy Đảng xem xét, kết nạp, có 3.465 đoàn viên được kết nạp Đảng. Tổng số có 23.559 đoàn viên công đoàn là đảng viên.
6. Công tác tài chính công đoàn:  
Công tác thu tài chính có những đổi mới. Dự toán kịp thời, đúng quy định; phân cấp hợp lý; thực hiện phần mềm thu kinh phí công đoàn qua tài khoản Công đoàn Việt Nam, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan như Bảo hiểm xã hội, Thuế và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền và vận động thu kinh phí.
Công tác quản lý, sử dụng tài chính công đoàn được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việc sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp được triển khai theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017; chỉ đạo xây dựng phương án tự chủ đối với Nhà Văn hóa trực thuộc.
7. Hoạt động kiểm tra công đoàn
Nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn được nâng lên; Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, bảo đảm nguyên tắc và quy trình kiểm tra, giám sát theo quy định; lựa chọn nội dung kiểm tra phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế xảy ra trong hoạt động thực tiễn. Nhiệm kỳ qua, Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp đã kiểm tra 3.089 cuộc về chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, 2.921 cuộc về quản lý tài chính, tài sản công đoàn. Tiếp nhận 103 đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó có 07 đơn tố cáo nặc danh, không có cơ sở giải quyết. Công đoàn các cấp giải quyết 05 đơn, tham gia cùng các ngành chức năng giải quyết 91 đơn về các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, lương, trợ cấp thôi việc...
8. Công tác nữ công:  
Các cấp công đoàn đã tập trung vào dịp kỷ niệm các ngày về giới gắn với hoạt động chăm lo cho đoàn viên, lao động nữ, tổ chức 630 cuộc nói chuyện chuyên đề có trên 26.000 lượt chị tham dự. Tổ chức trao 10 Sổ tiết kiệm Công đoàn Việt Nam cho trẻ em mồ côi (cha, mẹ) là con đoàn viên công đoàn tử vong do dịch Covid-19, tổng số tiền trên 245 triệu đồng. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực cho con của công đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân “Tháng hành động vì trẻ em”, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu với các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ, khen thưởng các cháu đạt thành tích cao trong học tập.
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong  nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động được đẩy mạnh, gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và phấn đấu rèn luyện các phẩm chất đạo đức Phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Có trên 92% nữ công nhân, viên chức, lao động đăng ký tham gia phong trào hàng năm. Đến nay, đã thành lập 693/693 Ban Nữ công quần chúng ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. 
9. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ Công đoàn:
Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố luôn năng động, sáng tạo, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc theo hướng dân chủ, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; kịp thời ban hành, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện để cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thành ủy, Tổng Liên đoàn và Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố đến các cấp công đoàn tổ chức thực hiện; quyết định giao nhiệm vụ mới, đột phá cho các ban hàng năm; phân công cụ thể, theo dõi, kiểm tra thường xuyên tiến độ thực hiện công việc đề ra, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể ban chấp hành, ban thường vụ và cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan công đoàn cấp thành phố, cấp quận, huyện trước đoàn viên, người lao động, giải quyết nhanh nhạy, kịp thời, sáng tạo các công việc thuộc thẩm quyền. Đã có đổi mới trong việc ban hành văn bản chỉ đạo theo hướng tăng cường tính định hướng, định lượng, tạo sự chủ động, quan tâm những vấn đề cụ thể, cấp thiết của đoàn viên, người lao động, tạo chuyển biến trong kết quả thực hiện, được đoàn viên, người lao động và xã hội quan tâm.
Các cấp công đoàn có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Đặc biệt là đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức, hướng về cơ sở ngày càng có hiệu quả; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của đoàn viên, người lao động; từng bước khắc phục bệnh hình thức, thành tích trong hoạt động công đoàn lấy đoàn viên làm trung tâm phục vụ.
Công tác cải cách hành chính được chú trọng gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực của hoạt động công đoàn, thích ứng với bối cảnh tình hình mới, chế độ thông tin, báo cáo được duy trì nề nếp. Sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng (Voffice); cải tiến chế độ thông tin, báo cáo của công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở theo hướng gọn nhẹ; giảm số lượng phát hành văn bản giấy, tiết kiệm chi phí, đạt hiệu quả cao; khai thác các mặt tích cực của mạng xã hội, nhóm zalo, trang thông tin điện tử, facebook Công đoàn Cần Thơ trong trao đổi thông tin, xử lý công việc trong các cấp công đoàn.
Trong nhiệm kỳ qua, đã ký kết 10 chương trình phối hợp hoạt động giữa Liên đoàn Lao động thành phố với các sở, ban, ngành  góp phần tạo sự quan tâm chỉ đạo đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người lao động và hoạt động công đoàn; tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả thực hiện, qua đó tiếp tục đề ra mục tiêu, nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả phối hợp.
C. MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ, NHIỆM KỲ 2023-2028
I. MỤC TIÊU 

1. Mục tiêu tổng quát: Tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp trọng tâm là thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đoàn viên và người lao động, tiếp tục hướng mạnh về cơ sở; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn; Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức thi đua và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; Xây dựng tổ chức Công đoàn thành phố Cần Thơ vững mạnh, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nâng cao trình độ, đủ năng lực tiếp nhận và tổ chức thực hiện với tư duy đổi mới, hiện đại, có uy tín, có năng lực tập hợp đoàn viên, người lao động. Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị, trong đại diện cho người lao động; lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu; lấy đoàn viên, người lao động làm đối tượng và mục tiêu hoạt động. 
Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Công đoàn Cần Thơ, khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong tập hợp, thu hút, đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức, lao động thành phố trong xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.
2. Chỉ tiêu thực hiện 
2.1. Chỉ tiêu phấn đấu đến hết nhiệm kỳ
(1) Đến hết nhiệm kỳ cả thành phố có trên 100.000 đoàn viên công đoàn.
(2) Ít nhất 65% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
(3) Ít nhất 75% số vụ việc của đoàn viên có nhu cầu tư vấn, tranh tụng về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ có đại diện công đoàn tham gia hoặc được công đoàn hỗ trợ. 
(4) 100% công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp nhà nước, 80% trở lên công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước có thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể (trong đó, có ít nhất 35% bản thỏa ước lao động tập thể đạt loại A, 80% trở lên thỏa ước lao động tập thể có nội dung có lợi hơn cho người lao động) 
(5) Thực hiện 25.000 công trình, sản phẩm thi đua, đề tài sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.   
(6) Xây dựng 01 thiết chế văn hóa của tổ chức Công đoàn.
(7) Xây dựng, sửa chữa 250 “Mái ấm Công đoàn”.
(8) 100% Chủ tịch Công đoàn cơ sở mới giữ chức danh lần đầu được đào tạo bồi dưỡng với hình thức phù hợp; 95% cán bộ Công đoàn từ Tổ phó Công đoàn trở lên được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác công đoàn.
(9) Ít nhất 80% công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thành lập ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
2.1. Chỉ tiêu thực hiện hàng năm:
 (1) 100% đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và 70% đoàn viên, người lao động được học tập, tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Công đoàn. 
(2) 100% cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 95% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 60% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức Hội nghị người lao động; 90% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 70% trở lên DN ngoài khu vực nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; Ít nhất 75% trở lên công đoàn cơ sở tham gia với người sử dụng lao động ban hành, triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (hàng năm). 
(3) Ít nhất 85% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ, ít nhất 90% công đoàn cơ sở khu vực nhà nước, 55% trở lên công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ.
(4) Bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu được ít nhất 01 đoàn viên Công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng phát triển Đảng. 
(5) Thu tài chính công đoàn đạt 100% so với dự toán được Tổng Liên đoàn giao.
(6) 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện việc kiểm tra tài chính cùng cấp, trước khi gửi quyết toán về công đoàn cấp trên. 100% công đoàn cơ sở cơ sở doanh nghiệp có trên 200 công nhân, lao động được công đoàn cấp trên kiểm tra, giám sát tài chính. 100% công đoàn cơ sở thực hiện công khai tài chính.
3. Khâu đột phá
1) Tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên người lao động, trọng tâm là thương lượng, đối thoại và tiền lương.
(2) Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, uy tín, trách nhiệm.
(3) Thực hiện chuyển đổi số trong công tác truyền thông và quản lý đoàn viên công đoàn.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU, NHIỆM KỲ 2023-2028
1. Tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đoàn viên và người lao động.
2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn 
3. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức thi đua và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng
4. Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; quan tâm thu hút người lao động, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp
5. Đổi mới hoạt động nữ công, xây dựng gia đình công nhân, viên chức, lao động ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
6. Tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại lớn mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
7. Xây dựng nguồn lực tài chính để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn
8. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động công đoàn
9. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động Công đoàn trong điều kiện mới.
Đại hội Công đoàn thành phố Cần Thơ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 là Đại hội của “ĐỔI MỚI, DÂN CHỦ, ĐOÀN KẾT, PHÁT TRIỂN”. Đại hội thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyết tâm của đoàn viên toàn thành phố tích cực tham gia làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động trong thành phố; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố nhanh và bền vững.